Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 9

Lượt xem:

Đọc bài viết

CHỦ ĐỀ: “Tôi yêu Tổ quốc tôi”
NỘI DUNG
1. Nội dung tìm hiểu
Tìm hiểu về lịch sử 70 năm cách mạng tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2015)
Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Liên Xô liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béc-lin. Ngày 09/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 08/8/1945, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật.
Ở trong nước, trải qua các cuộc diễn tập, đến năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao. Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.
Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam.
Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịnh sử, trước cuộc míttinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 02/9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mau lẹ do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, không chịu sống mãi kiếp nô lệ của người dân mất nước; một lòng đi theo Đảng và được Đảng lãnh đạo qua các cuộc tổng diễn tập, đã quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc. Bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định. Chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Đây là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị. Nó khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương
2. Phong trào hành động
– Tổ chức cho đoàn viên thanh niên tìm hiểu: 70 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 70 năm ngày Nam Bộ kháng chiến; 75 năm Ngày khởi nghĩa Bắc Sơn….
– Tăng cường tổ chức quán triệt và nắm bắt diễn biến tư tưởng trong đoàn viên thanh niên; tiếp tục tổ chức cho đoàn viên thanh niên tìm hiểu những chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Đoàn và chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó định hướng cho đoàn viên thanh niên tự khẳng định và phát huy vai trò xung kích của mình.
– Nhận xét, đánh giá và chuyển phiếu sinh hoạt hè cho các em học sinh – sinh viên đã hết thời gian tham gia sinh hoạt tại địa phương, đồng thời phối kết hợp với các trường học triển khai kế hoạch hoạt động Đoàn cho năm học mới. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động vui Tết trung thu cho các em thiếu nhi tại địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố.
– Tiếp tục tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
– Phối hợp chặt chẽ với các trường học thực hiện tốt quy định đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn nơi cư trú.
– Tiến hành rà soát, thống kê về tình hình đoàn viên thanh niên trên địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố; xây dựng hệ thống quản lý đoàn viên thanh niên phù hợp với đặc thù tại địa phương, đơn vị.
– Nắm bắt tư tưởng đoàn viên thanh niên, dư luận xã hội liên quan đến tình hình trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, biển đảo, an toàn giao thông…
– Thường xuyên trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên tại địa phương, đơn vị.
3. Sổ tay nghiệp vụ: Công tác phát triển đoàn viên
3.1. Kết nạp đoàn viên là gì?
Là quá trình tiến hành các bước công tác nhằm tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, lựa chọn những thanh niên ưu tú và kết nạp họ vào tổ chức Đoàn.
3.2. Điều kiện về độ tuổi xét kết nạp đoàn viên
Tại thời điểm xét kết nạp, người được kết nạp vào Đoàn tuổi từ 16 (tối thiểu từ đủ 15 tuổi  + 1 ngày) và không quá 30 tuổi.
3.3. Thủ tục kết nạp đoàn viên
Thanh niên vào Đoàn tự nguyện viết đơn, báo cáo lý lịch của mình với chi đoàn, chi đoàn cơ sở và được một trong các tập thể, cá nhân sau đây giới thiệu và bảo đảm:
– Được học Điều lệ Đoàn và trang bị những kiến thức cơ bản về Đoàn trước khi kết nạp.
– Được một đoàn viên hoặc một đảng viên (với những nơi chưa có tổ chức Đoàn) giới thiệu, phải là người cùng công tác, lao động, học tập với người được giới thiệu ít nhất 03 tháng liên tục.
+ Đối với hội viên Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam do tập thể Chi hội giới thiệu.
+ Đối với Hội sinh viên Việt Nam do Ban Chấp hành chi hội giới thiệu.
+ Nếu là đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh do tập thể chi đội giới thiệu.
– Được hội nghị chi đoàn xét kết nạp từng người một với sự biểu quyết tán thành của trên một phần hai tổng số đoàn viên có mặt tại hội nghị và được Đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định chuẩn y.
– Trường hợp đặc biệt ở vùng cao, vùng sâu, các đơn vị công tác phân tán không có điều kiện họp toàn thể chi đoàn, nếu Đoàn cấp trên đồng ý thì việc xét kết nạp có thể do Ban Chấp hành chi đoàn xét và Đoàn cấp trên trực tiếp chuẩn y.
– Trường hợp thanh niên đang học bậc trung học phổ thông nơi chưa có tổ chức chi đoàn thì việc kết nạp đoàn viên do Ban Chấp hành Đoàn trường thực hiện.
3.4. Quy trình công tác phát triển đoàn viên mới
* Bước 1: Chi đoàn, Đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền giới thiều về Đoàn cho thanh niên, thông qua các loại hình tổ chức và các phương thức hoạt động của Đoàn, Hội, Đội.
* Bước 2: Chi đoàn xây dựng kế hoạch kết nạp đoàn viên.
– Lập danh sách thanh niên tiên tiến và đội viên trưởng thành
– Lựa chọn đối tượng theo các tiêu chuẩn kết nạp đoàn viên
– Phân công đoàn viên giúp đỡ, dự kiến thời gian bồi dưỡng, thời gian tổ chức kết nạp
* Bước 3: Chi đoàn, Đoàn cơ sở bồi dưỡng giáo dục, rèn luyện thanh thiếu niên vào Đoàn.
– Mở lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đoàn, lựa chọn những thanh niên có đủ tiêu chuẩn, thông qua các hoạt động thực tiễn như: tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc thi, hội thi tay nghề, thi thanh lịch, thi tìm hiểu… Các hoạt động tham gia phát triển kinh tế xã hội, nhân đạo, từ thiện, hội trại, văn hóa thể thao… để bồi dưỡng thanh niên, lựa chọn thanh niên nhiệt tình gương mẫu để xem xét kết nạp.
– Nội dung lớp bồi dưỡng cảm tình Đoàn cho thanh, thiếu niên được trình bày ngắn gọn, tập trung chủ yếu vào các chủ đề: Những vẫn đề cơ bản về Đoàn, về Đảng, về Bác Hồ và chương trình hoạt động chính của Đoàn. Khi mở lớp tập trung các cơ sở Đoàn nên tổ chức các sinh hoạt tập thể như trò chơi, đố vui, ứng xử, kể chuyện, thi năng khiếu, tập hát, xem băng hình… để củng cố kiến thức và tạo không khí vui tươi, thoải mái.
– Ở những nơi cơ sở không có điều kiện mở lớp tập trung thì có thể phát tài liệu để thanh niên tự nghiên cứu, sau đó kiểm tra giám sát củng cố kiến thức bằng phương pháp viết thu hoạch.
* Bước 4: Tiến hành các thủ tục và tổ chức kết nạp đoàn viên mới.
– Chi đoàn hướng dẫn thanh niên tự khai lý lịch và viết đơn (theo mẫu sổ đoàn viên).
– Tổ chức hội nghị Chi đoàn xét, báo cáo lên Ban Chấp hành Đoàn cấp trên.
– Ban Chấp hành Đoàn cấp trên ra quyết định chuẩn y kết nạp.
– Chi đoàn tổ chức kết nạp đoàn viên mới, trao huy hiệu Đoàn.
– Hoàn chỉnh hồ sơ để quản lý đoàn viên, tiếp tục bồi dưỡng tạo điều kiện để đoàn viên mới rèn luyện.
– Đối với những nơi không có chi đoàn, Ban Chấp hành Đoàn cơ sở hoặc chi đoàn cơ sở thực hiện quy trình công tác phát triển đoàn viên và quyết định kết nạp đoàn viên.
3.5. Phát triển đoàn viên trong trường học nơi chưa có chi đoàn
Công tác phát triển đoàn viên tại các lớp chưa có chi đoàn trong các trường học (trường THPT, trung tâm GDTX, trường dạy nghề) thực hiện theo Hướng dẫn số 17/TWĐTN, ngày 24/02/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, cụ thể:
* Bước 1:
– Trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình, đoàn viên phụ trách phối hợp với giáo viên chủ nhiệm và Ban cán sự lớp phát hiện, lựa chọn và lập danh sách các em học sinh có phẩm chất đạo đức tốt, tích cực, gương mẫu trong học tập và hoạt động, đủ điều kiện vào Đoàn. Tổ chức lấy ý kiến suy tôn các tập thể nơi các học sinh trong danh sách đối tượng Đoàn đang học tập, sinh hoạt để đảm bảo dân chủ, đồng thời tạo động lực cho các học sinh khác phấn đấu.
– Đoàn viên phụ trách (đồng thời là người đảm bảo cho đối tượng Đoàn) giới thiệu đối tượng Đoàn cho Ban Chấp hành Đoàn trường xem xét, quyết định kết nạp.
* Bước 2: Đoàn viên phụ trách hướng dẫn các đối tượng Đoàn được giới thiệu tự khai lý lịch và viết đơn xin vào Đoàn.
* Bước 3: Ban Chấp hành Đoàn trường họp xét từng trường hợp và ra quyết định chuẩn y kết nạp.
* Bước 4: Ban Chấp hành Đoàn trường trực tiếp tổ chức hoặc giao cho chi đoàn giáo viên phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên mới đúng quy đinh. Lễ kết nạp đoàn viên tiến hành theo từng lớp học, không tổ chức kết nạp toàn trường.
Ban Chấp hành Đoàn trường hoàn chỉnh hồ sơ để quản lý đoàn viên, đồng thời chuẩn bị để tiến hành thành lập chi đoàn.
4. Kỹ năng hoạt động: Trò chơi “Ai là người may mắn”
– Không gian: trong phòng hoặc ngoài trời
– Mục tiêu: vui chơi thoải mái
– Số lượng thành viên: 6 người trở lên
– Vật dụng cần thiết:
+ Chuẩn bị nhạc
+ Hệ thống âm thanh
+ 1 hay nhiều món quà được gói thật nhiều lớp
– Chuẩn bị: Chọn món quà bất kì (có thể là thanh sôcôla hoặc bịch kẹo để chia cho cả nhóm) và gói nó bằng thật nhiều lớp giấy khác nhau.
– Hoạt động:
+ Cho nhóm ngồi thành vòng tròn và trao món quà cho 1 thành viên bất kì.
+ Bắt đầu bật nhạc, thành viên đang giữ quà sẽ chuyền nó cho người ngồi bên phải mình.
+ Món quà liên tục được chuyền theo 1 hướng cho đến khi nhạc ngừng.
+ Thành viên đang giữ món quà được phép mở 1 lớp giấy gói.
+ Tiếp tục bật nhạc và lặp lại quá trình như trên cho đến khi lớp giấy cuối cùng được mở và đó cũng là chủ nhân của món quà.
+ Nếu nhóm đông, có thể sử dụng nhiều món quà chuyền đi cùng lúc.

Tác giả bài viết: Ngô Quang Hương

Nguồn tin: Tỉnh Đoàn ĐăkLăk