Hướng dẫn sinh hoạt chi Đoàn tháng 12

Lượt xem:

Đọc bài viết

Hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn (tháng 12 năm 2015)
I. Chủ đề: “Tự hào và vững bước dưới cờ Đảng”
II. Nội dung:
1. Tìm hiểu về: “Những chặng đường vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng”
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và bắt nhịp ngay với phong trào đấu tranh của giai cấp công – nông, đã tiếp thêm sức mạnh và lãnh đạo công nông chống lại thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng công nông đã liên kết chặt chẽ với nhau làm nên cao trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết – Nghệ Tĩnh. Trong cuộc tổng diễn tập đầu tiên này, đã xuất hiện những đội tự vệ, xích vệ đỏ – lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên. Chính những xích vệ ấy đã đi đầu trong việc bảo vệ các làng đỏ trong quá trình tồn tại Xô Viết – Nghệ Tĩnh.
Lực lượng vũ trang nhân dân từ khi ra đời trong mỗi giai đoạn, thời điểm lịch sử của đất nước đều thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình trong cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc. Mở đầu là thời kỳ vận động trực tiếp Cách mạng Tháng Tám (1939-1945), đặc biệt là thời điểm nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940).
Lực lượng Cứu quốc quân tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Lúc này, tình thế cách mạng đã xuất hiện, nhiệm vụ giải phóng dân tộc được Đảng đặt lên hàng đầu nhưng thời cơ cách mạng chưa chín muồi. Vì vậy, sau hơn một năm bị bọn Tưởng Giới Thạch giam giữ trái phép ở Quảng Tây – Trung Quốc, Hồ Chí Minh trở về Cao Bằng, kịp thời hoãn lệnh khởi nghĩa của Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng vì thời cơ khởi nghĩa chưa đến. Bác chỉ rõ: “Hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới”.
Tháng 12/1944, Người đã chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Bản chỉ thị lịch sử này là một văn kiện có tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng, đề cập một cách toàn diện đường lối, phương châm, tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng. Bác nói: “… Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu qui mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam” .
Như vậy, cùng với bước phát triển mạnh mẽ của các đội cứu quốc quân và lực lượng vũ trang, ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh ủy nhiệm lãnh đạo, đội biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng và đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lịch sử quân đội ta.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, Quân đội nhân dân Việt Nam với tên gọi lịch sử là Giải phóng quân miền Nam đã góp phần quyết định cùng toàn dân “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa Xuân 1975, thu non sông về một mối, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hoà bình lập lại, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới, Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là đội quân chiến đấu mà còn là đội quân lao động sản xuất, công tác.
Thực tiễn chứng minh, hơn 71 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trong bất luận hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn một lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, luôn giương cao ngọn cờ bách chiến, bách thắng, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng cao cả của Đảng, của dân tộc.
Quân đội ta cùng với toàn dân hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, bảo vệ thành quả cách mạng, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của một quân đội anh hùng sinh ra từ một dân tộc anh hùng, “… sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Theo: Xaydungdang.org.vn
2. Phong trào hành động
– Các cấp bộ Đoàn tiếp tục triển khai đến các cơ sở Đoàn và ĐVTN nghiên cứu, tìm hiểu, học tập các Nghị quyết của Đảng, của Đoàn và tổ chức các hoạt động thiết thực như: văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tọa đàm, hái hoa dân chủ, sân khấu hoá, thi tìm hiểu theo chủ đề, chủ điểm, dọn vệ sinh, tôn tạo các khu di tích lịch sử cách mạng, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ…Tổ chức thăm hỏi động viên, tặng quà các bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng… nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2015), ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2015).
– Tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với các đơn vị kết nghĩa nhằm khích lệ, động viên tinh thần các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
– Tập trung đẩy mạnh củng cố và mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên; đẩy mạnh các hình thức hoạt động thu hút lực lượng ĐVTN tham gia nhằm kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng chi đoàn, chi hội thôn, buôn, tổ dân phố; duy trì và đẩy mạnh các đội an ninh xung kích bảo vệ trật tự an toàn thôn, buôn, tổ dân phố trong các dịp lễ, tết.
– Tiến hành tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2015 và triển khai kế hoạch, chương trình hoạt động năm 2016.
– Tổng hợp kết quả đánh giá, phân xếp loại các cơ sở Đoàn, chi đoàn và đoàn viên gửi về Đoàn cấp trên để tổng hợp, theo dõi, chỉ đạo.
– Tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc Nghị định số 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ, ký cam kết và lấy tiêu chí không vi phạm các quy định về mua bán, vận chuyển, đốt pháo trái phép làm tiêu chuẩn để đánh giá thi đua.
3. Sổ tay nghiệp vụ: Hướng dẫn đánh giá, phân xếp loại Đoàn cơ sở, chi đoàn
3.1. Đoàn cơ sở: Gồm có 4 mức
* Đoàn cơ sở vững mạnh
– Thực hiện tốt nội dung giao ước thi đua của Đoàn cấp trên, đạt điểm chuẩn theo quy định.
– Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý và cả năm; cụ thể hóa nhiệm vụ Đoàn cấp trên giao và nhiệm vụ theo nghị quyết đã đề ra.
– Hướng dẫn các Chi đoàn trực thuộc sinh hoạt, hoạt động có hiệu quả; sáng tạo, tích cực, chủ động thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Đoàn cấp trên giao.
– Có kế hoạch phát triển đoàn viên mới, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và thực hiện 100% chỉ tiêu đã đề ra (nếu có).
– Có sổ danh sách đoàn viên, sổ theo dõi kết nạp đoàn viên, trao thẻ đoàn viên, giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt Đoàn, thực hiện ghi chép đầy đủ các nội dung theo quy định.
– Triển khai và thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ mới, Đoàn cơ sở được công nhận hoàn thành xuất sắc Chương trình rèn luyện đoàn viên.
– Đoàn cơ sở có ít nhất 80% Chi đoàn trực thuộc xếp loại khá trở lên, không có Chi đoàn xếp loại yếu.
– Thu, chi trích nộp đoàn phí đúng quy định.
* Đoàn cơ sở khá
– Thực hiện nội dung giao ước thi đua của Đoàn cấp trên, đạt điểm chuẩn theo quy định.
– Chủ động xây dựng chương tình, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý và cả năm; cụ thể hóa nhiệm vụ Đoàn cấp trên giao và nhiệm vụ tự đề ra của đơn vị mình.
– Hướng dẫn các Chi đoàn trực thuộc sinh hoạt, hoạt động có hiệu quả; hoàn thành các nhiệm vụ do Đoàn cấp trên giao.
– Có kế hoạch phát triển đoàn viên mới, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và thực hiện được từ 80% đến dưới 100% chỉ tiêu đã đề ra (nếu có).
– Có sổ danh sách đoàn viên, sổ theo dõi kết nạp đoàn viên, trao thẻ đoàn viên, giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt Đoàn, thực hiện ghi chép đầy đủ các nội dung theo quy định.
– Triển khai và thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ mới, Đoàn cơ sở được công nhận hoàn thành khá trở lên Chương trình rèn luyện đoàn viên.
– Đoàn cơ sở có 60% đến dưới 80% Chi đoàn trực thuộc xếp loại khá trở lên, không có Chi đoàn xếp loại yếu.
– Thu, chi trích nộp đoàn phí đúng quy định.
* Đoàn cơ sở trung bình
– Thực hiện nội dung giao ước thi đua của Đoàn cấp trên, nhưng chỉ đạt điểm ở mức độ nhất định.
– Không xây dựng đầy đủ chương trình, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý và cả năm; thiếu cụ thể hóa nhiệm vụ Đoàn cấp trên giao và nhiệm vụ tự đề ra của đơn vị mình.
– Chưa chủ động hướng dẫn các Chi đoàn trực thuộc sinh hoạt, hoạt động; thực hiện các nhiệm vụ do cấp bộ Đoàn cấp trên giao còn bị động, không đầy đủ, kết quả chưa cao.
– Có kế hoạch phát triển đoàn viên mới, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và thực hiện được từ 50% đến dưới 80% chỉ tiêu đã đề ra (nếu có).
– Có sổ danh sách đoàn viên, sổ theo dõi kết nạp đoàn viên, trao thẻ đoàn viên, giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt Đoàn, nhưng không thực hiện việc ghi chép đầy đủ các nội dung theo quy định.
– Triển khai thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ mới, Đoàn cơ sở được công nhận hoàn thành trung bình trở lên Chương trình rèn luyện đoàn viên.
– Đoàn cơ sở có ít nhất 50% đến dưới 60% Chi đoàn trực thuộc xếp loại khá trở lên, tỉ lệ Chi đoàn xếp loại yếu không quá 20%.
– Thu, nộp đoàn phí đầy đủ nhưng không đúng thời gian quy định hoặc thu nộp chưa đầy đủ, Đoàn cấp trên có nhắc nhở.
* Đoàn cơ sở yếu
– Không xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý.
– 03 tháng liên tục không có hướng dẫn các Chi đoàn sinh hoạt, hoạt động; thiếu tính chủ động và thực hiện không đầy đủ các nhiệm vụ do Đoàn cấp trên giao.
– Không có kế hoạch phát triển đoàn viên mới, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp hoặc có kế hoạch nhưng chỉ thực hiện được dưới 50% chỉ tiêu đã đề ra (nếu có).
– Triển khai và thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên nhưng Đoàn cơ sở bị công nhận là không hoàn thành Chương trình.
– Không có sổ quản lý danh sách đoàn viên, sổ theo dõi kết nạp đoàn viên, trao thẻ đoàn viên, giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt Đoàn… hoặc có nhưng không thực hiện việc ghi chép đầy đủ các nội dung theo quy định.
– Đoàn cơ sở có trên 20% Chi đoàn trực thuộc xếp loại yếu.
– Không thu, nộp đoàn phí hoặc có thu, nộp đoàn phí nhưng không đúng quy định.
3.2. Chi đoàn: Gồm 4 mức
* Chi đoàn vững mạnh
– Thực hiện tốt nội dung giao ước thi đua của Đoàn cấp trên, đạt điểm chuẩn theo quy định.
– Đảm bảo chế độ sinh hoạt Chi đoàn định kỳ và sinh hoạt chủ điểm (ít nhất 12 kỳ/năm); sáng tạo, tích cực, chủ động thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ do Đoàn cấp trên giao. Đối với Chi đoàn đặc thù mà đoàn viên phân tán trên địa bàn rộng hoặc thường xuyên đi lao động, công tác khỏi địa bàn, cơ quan, được Đoàn cấp trên xác nhận thì sinh hoạt tối thiểu 4 kỳ/năm.
– Xây dựng được nội dung hoạt động của Chi đoàn, được thể hiện bằng những việc làm thiết thực, bám sát với Nghị quyết của Chi đoàn, định hướng chỉ đạo của cấp Ủy, Đoàn cấp trên; hình thức sinh hoạt phong phú, đa dạng theo chủ đề, chủ điểm gắn với sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội.
– Triển khai thực hiện tốt Chương trình rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ mới, Chi đoàn được công nhận hoàn thành xuất sắc Chương trình rèn luyện đoàn viên. Có từ 95% đến 100% đoàn viên trong Chi đoàn (trừ đảng viên trẻ tham gia sinh hoạt Đoàn) đăng ký và thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên.
– Tích cực tổ chức các hình thức tập hợp thiếu nhi; làm tốt công tác phát triển đoàn viên mới (có sổ đoàn viên, thẻ đoàn viên theo đúng mẫu do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn ban hành); tham gia xây dựng Đảng, làm tốt công tác giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng.
– Chi đoàn có ít nhất 80% đoàn viên xếp loại khá trở lên, không có đoàn viên xếp loại yếu.
– Có sổ Chi đoàn và ghi chép đầy đủ các nội dung theo quy định.
– Thu, chi trích nộp đoàn phí đúng quy định.
* Chi đoàn khá
– Thực hiện ở mức khá nội dung giao ước thi đua của Đoàn cấp trên, đạt điểm đăng ký theo tiêu chuẩn.
– Duy trì sinh hoạt Chi đoàn định kỳ và sinh hoạt Chi đoàn chủ điểm (ít nhất 12 kỳ/năm); thực hiện tốt các nhiệm vụ do Đoàn cấp trên giao. Đối với Chi đoàn đặc thù mà đoàn viên phân tán trên địa bàn rộng hoặc thường xuyên đi lao động, công tác khỏi địa bàn, cơ quan, được Đoàn cấp trên xác nhận thì sinh hoạt tối thiếu 4 kỳ/năm.
– Có từ 75% đến 95% đoàn viên (trừ đảng viên trẻ tham gia sinh hoạt Đoàn) đăng ký và thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên, Chi đoàn được công nhận hoàn thành Chương trình rèn luyện đoàn viên từ mức khá trở lên.
– Thực hiện công tác phát triển đoàn viên mới (có sổ đoàn viên, thẻ đoàn viên theo đúng mẫu do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn ban hành) và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, nhưng kết quả nội dung này chưa thật sự xuất sắc (kết nạp đoàn viên mới chưa được nhiều, trong khi nguồn thanh niên còn nhiều, việc bồi dưỡng đoàn viên ưu tú cho Đảng còn hình thức, chất lượng chưa cao…).
– Chi đoàn có từ 60% đến dưới 80% đoàn viên xếp loại khá trở lên, không có đoàn viên xếp loại yếu.
– Có sổ Chi đoàn và ghi chép đầy đủ các nội dung theo quy định.
– Thu, chi trích nộp đoàn phí đúng quy định.
* Chi đoàn trung bình
– Thực hiện đạt mức trung bình nội dung giao ước thi đua của Đoàn cấp trên.
– Duy trì sinh hoạt Chi đoàn định kỳ và sinh hoạt Chi đoàn chủ điểm (ít nhất 10 kỳ/năm); chưa chủ động thực hiện các nhiệm vụ do Đoàn cấp trên giao. Đối với Chi đoàn đặc thù mà đoàn viên phân tán trên địa bàn rộng hoặc thường xuyên đi lao động, công tác khỏi địa bàn, cơ quan, được Đoàn cấp trên xác nhận thì sinh hoạt tối thiểu 3 kỳ/năm.
– Có từ 50% đến dưới 75% đoàn viên (trừ đảng viên trẻ tham gia sinh hoạt Đoàn) đăng ký và thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên, Chi đoàn được công nhận hoàn thành Chương trình rèn luyện đoàn viên từ mức trung bình trở lên.
– Không kết nạp đoàn viên mới; không giới thiệu được đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp (nếu đơn vị có đoàn viên ưu tú đã được công nhận).
– Chi đoàn có từ 50% đến dưới 60% đoàn viên xếp loại khá trở lên, tỷ lệ đoàn viên xếp loại yếu không quá 20%.
– Có sổ Chi đoàn nhưng ghi chép không đầy đủ các nội dung theo yêu cầu.
– Thu, nộp đoàn phí đầy đủ nhưng không đúng thời gian quy định hoặc thu, nộp chưa đầy đủ, Đoàn cấp trên có nhắc nhở.
* Chi đoàn yếu
– Tổ chức sinh hoạt, hoạt động Chi đoàn dưới 10 kỳ/năm; thiếu chủ động và thực hiện không đầy đủ các nhiệm vụ do cấp bộ Đoàn cấp trên giao. Đối với Chi đoàn đặc thù mà đoàn viên phân tán trên địa bàn rộng hoặc thường xuyên đi lao động, công tác khỏi địa bàn, cơ quan, được Đoàn cấp trên xác nhận thì tổ chức sinh hoạt Chi đoàn dưới 3 kỳ/năm.
– Không hoàn thành nhiệm vụ của Chi đoàn theo định hướng của cấp uỷ, Đoàn cấp trên và Nghị quyết Đại hội Chi đoàn hằng năm.
– Không kết nạp đoàn viên mới (nếu đơn vị còn nguồn để bồi dưỡng kết nạp); không giới thiệu được đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp (nếu đơn vị có đoàn viên ưu tú đã được công nhận).
– Có triển khai Chương trình rèn luyện đoàn viên nhưng Chi đoàn bị công nhận là không hoàn thành Chương trình. Có trên 50% đoàn viên trong chi đoàn không đăng ký và thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên.
– Tỷ lệ đoàn viên xếp loại yếu trong năm có trên 20%
– Không có sổ Chi đoàn hoặc có sổ Chi đoàn, nhưng không ghi chép đầy đủ các nội dung theo yêu cầu.
– Không thu, nộp đoàn phí hoặc có thu, nộp đoàn phí nhưng không đầy đủ quy định.
4. Kỹ năng: Trò chơi Teambuilding “Tìm sự tương đồng giữa các thành viên”
– Không gian: trong phòng hoặc ngoài trời
– Mục tiêu: giúp các thành viên biết thêm thông tin về nhau và tìm ra các điểm chung.
– Số lượng thành viên: 4 người trở lên
– Vật dụng cần thiết:
+ Giấy x số thành viên
+ Bút  x số thành viên
– Hoạt động:
+ Chia nhóm thành các đội từ 2 – 6 thành viên.
+  Phát cho mỗi đội 1 tờ giấy và 1 cây bút
+  Yêu cầu mỗi đội liệt kê tất cả những nét đặc trưng giống nhau về tính cách, ngoại hình hay trang phục… giữa các thành viên trong đội
Ví dụ: Bạn A và B đều tóc dài, bạn C và D đều mang giầy thể thao
– Ấn định 1 khoảng thời gian để hoàn thành nhiệm vụ
– Khi hết thời gian, yêu cầu mỗi đội đọc danh sách cho tất cả mọi người cùng nghe
– Đội có danh sách dài nhất sẽ chiến thắng.

Tác giả bài viết: Ngô Quang Hương

Nguồn tin: Tỉnh Đoàn ĐăkLăk