KINH NGHIỆM LÀM BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT ĐOẠN THƠ, BÀI THƠ
Lượt xem:
GV Bùi Duy Hưng tổng hợp
I/ PHƯƠNG PHÁP CHUNG
1. Bước 1: TÌM HIỂU ĐỀ
– Xác định đúng nội dung và nghệ thuật đoạn thơ cần nghị luận ( đoạn thơ viết về cái gì? Nội dung ấy được thể hiện bằng những ý nào và được biểu đạt bằng những phương tiện nghệ thuật nào ?) .
– Xác định thao tác nghị luận cần vận dụng ( phân tích, bình giảng)
– Xác định cần liên hệ với các bài thơ, đoạn thơ nào khác để đối chiếu, so sánh bình ý.
2.Bước 2: LẬP DÀN Ý
@/ Mở bài:
– Giới thiệu xuất xứ của đoạn thơ cần nghị luận.( đoạn thơ trích trong bài thơ nào của ai? Sáng tác trong thời điểm , hoàn cảnh nào?)
– Nêu khái quát nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.
– Ghi lại đoạn thơ ( nếu dưới 10 dòng) .
@/ Thân bài:
1/ Nêu khái quát nội dung bài thơ và đoạn thơ.( Nếu đoạn thơ thì vẫn giới thiệu bài thơ)
2/ Lần lượt phân tích, bình luận từng ý thơ (Căn cứ vào kết quả tìm ý ở từng câu, từng khổ, liên hệ so sánh với một số bài thơ khác có cùng đề tài để làm rõ hơn bài thơ đang phân tích )
* Lưu ý : Trong quá trình nghị luận, cần tránh diễn xuôi ý thơ , mà phải chú ý chọn lọc và bám sát các phương tiện nghệ thuật ( từ ngữ, hình ảnh, âm điệu, giọng điệu, các biện pháp tu từ về từ, tu từ về câu…để phân tích, bình giảng …qua đó làm rõ ý thơ của đoạn thơ , bài thơ)..
3/ Đánh giá khái quát nghệ thuật của đoạn thơ.
@/ Kết bài:
– Tóm lược nội dung đã nghị luận,
– Đánh giá những giá trị nổi bật về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của đoạn thơ…
II. THỰC HÀNH
Đề bài: Cảm nhận đọan thơ sau đây trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng :
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
…………………………….
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
Hướng dẫn làm bài
Mở bài:
– Quang Dũng là một nhà thơ tài hoa ,tiêu biểu của thơ ca Việt Nam thời chống Pháp.
– “Tây Tiến”là một bài thơ nổi tiếng được Quang Dũng sáng tác năm 1948, sau khi nhà thơ rời đơn vị và nhớ về kỷ niệm gắn bó một thời với đòan binh Tây Tiến.
– Một trong những nỗi niềm thương nhớ đó là những kỷ niệm khó quên về những chuỗi ngày hành quân gian khổ gắn với một miền rừng núi Tây Bắc, được khắc họa đậm nét qua đọan thơ :
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
…………………………….
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
Thân bài:
Thật vậy,ngay từ những dòng thơ mở đầu của bài thơ là nỗi nhớ da diết của nhà thơ với đồng đội mình trên những con đường hành quân gian khổ giữa núi từng :
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”.
Có thể nói, thơ ca của ta từ xưa thường nói về những nỗi nhớ thương. Nhưng nỗi “nhớ chơi vơi” tạo cảm tưởng nỗi nhớ như bồng bềnh trong không gian– một nỗi nhớ như không hình, không ảnh, không cân , không đếm được. Đó là nỗi nhớ da diết, lắng sâu như bao trùm lên không gian tạo vật và con người vùng Tây Bắc. Quả là một sáng tạo độc đáo của Quang Dũng.
Trong nỗi nhớ bềnh bồng ấy, Quang Dũng để cho cảm xúc của mình miên man trở về với con đường hành quân gắn với một loạt những địa danh với những tên gọi rất lạ, rất ấn tượng :
“Sài Khao sương lấp đòan quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.
– Hai câu thơ như gợi lên không khí âm u, mịt mù của một vùng đất lạ . “Hoa về ”mà không phải là hoa nở. “Đêm hơi”mà không phải là đêm sương. Hoa hiện ra mờ ảo trong sương, trong màn sương hoa vẫn đẹp. Câu thơ mang vẻ đẹp lung linh , huyền ảo.
– Bên cạnh những câu thơ giàu chất họa, là những câu thơ tả thực đến khắc nghiệt. Đó là cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ mà dữ dội. Đó chính là hòan cảnh gian khổ mà người lính Tây Tiến phải vượt qua trong các bước đường hành quân của họ :
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
Đọan thơ đã phác họa cảnh dốc núi vừa cao, uốn lượn gập gềnh, vừa sâu thăm thẳm mà người chiến sĩ tưởng như khó vượt qua .Điệp từ “dốc” được lặp lại hai lần cùng với một loạt các từ láy thanh trắc gợi hình “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút”…diễn tả sinh độngcon đường chuyển quân thật gian nan, hiểm nguy, vô cùng vất vả. Đặc biệt câu thơ “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” như tô đậm ấn tượng về độ cao của núi đèo .Núi cao, sương mù chưa tan biến thành những đám mây chập chùng bay là là trên thung lũng .Người leo núi có cảm giác như đang bước chân lên một cồn mây. Núi cao nên mũi súng của người lính Tây Tiến như chạm tới bầu trời.
– Hình ảnh nhân hóa “súng ngửi trời” thật mới mẻ, độc đáo, gợi tả sự tinh nghịch, hồn nhiên của những người lính trẻ.Đứng trên đỉnh dốc núi cao, họ nhìn xuống con đường hiểm trở vừa vượt qua và con đường gấp khúc sẽ đi xuống .Đường lên dốc và đường xuống dốc đều hun hút. Hình ảnh thơ thất đối xứng , câu thơ như một đường thẳng bị bẻ gấp lại :
“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”
– Từ núi cao chót vót, mờ ảo trong mây trắng, người lính tạm dừng chân, khoan khoái ngắm nhìn đất trời.Xa xa, lẫn trong màn mưa sương núi, bản làng mờ ảo thấp thóang trong thung lũng, lúc ẩn lúc hiện :
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
– Khác với những dòng thơ với nhiều thanh trắc gân guốc, dữ dội trên, câu thơ này gồm tòan bảy tiếng mang thanh bằng, diễn tả cái thanh thản của những chàng trai vừa vượt qua những chặng đường mệt nhọc, giữa không gian trầm lắng hoang sơ nơi núi thẳm rừng sâu. Cũng ngay trên những con đường chuyển quân gian khổ đó, đã có những người lính trẻ quá nhọc nhằn mà bỏ mình nằm lại nơi đất khách quê người :
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!”
Tất cả gợi lên cảnh núi rừng hoang vắng với bao hiểm nguy đang đe dọa tính mạng của người lính, nhưng giọng thơ ngang tàng như muốn xóa đi một chút gì có vẻ bi lụy :
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.
=> Đọan thơ như kết lại bằng một cảnh yên vui nồng ấm, đối lập với cảnh núi rừng hoang vắng dữ dội ở trên :
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
Lời thơ, ý thơ như gợi lên cảm giác nồng nàn, ấm áp.Những kỷ niệm tuy nhỏ bé, đơn sơ nhưng thật ấm lòng người lính xa nhà. Hương thơm ấy không chỉ là “ thơm nếp” xôi mà hơn nữa, có thể mùi thơm từ bàn tay cô gái mai Châu xinh đẹp.
III/ Kết bài:
– Tóm lại, với bút pháp vừa hiện thực vừa lãng mạn, Quang Dũng diễn đạt tài tình nỗi gian khổ trên những con đường hành quân của đòan binh Tây Tiến.Tuy đọan thơ có nói đến những cảnh vất vả , hiểm nguy, nhưng lại toát lên nét hào hùng lãng mạn của những người chiến sĩ Tây Tiến anh hùng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
– Đọan thơ còn giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp tài hoa trong phong cách thơ của Quang Dũng : giàu chất nhạc, đậm chất họa và rất nên thơ.
Chúc các em học sinh học tốt!
Tác giả bài viết: Bùi Duy Hưng